Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
90835

Picture17.jpg

 Bản đồ xã Thành Hưng, Huyện Thạch Thành, Tỉnh Thanh Hoá

 

1.Điều kiện tự nhiên:

Xã Thành Hưng là xã vùng trung du miền núi của huyện Thạch Thành, nằm cách trung tâm kinh tế huyện Thạch Thành khoảng 1,5 km về phía Tây và cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 60km. Tổng số hộ là 1.204 hộ với 4.669 nhân khẩu, được phân bổ ở 6 thôn. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 1006,87 ha, trong đó đất nông nghiệp là 626,06 ha. Xã Thành Hưng có vị trí trọng yếu trong nền kinh tế của huyện Thạch Thành, vị trí địa lý tương đối thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Là một xã có kinh tế Nông nghiệp là chủ yếu, thực tế trong những năm vừa qua, trên các lĩnh vực Kinh tế - Văn hoá - Xã hội ...vv, trên địa bàn xã Thành Hưng đã được các cấp các ngành từ TW đến địa phương hết sức quan tâm, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã, bằng những cơ chế chính sách, các quy hoạch chuyên ngành, kế hoạch quản lý phù hợp, và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng...vv.

Vì vậy xã Thành Hưng ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới. Năm 2015, xã Thành Hưng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

* Vị trí địa lý:

- Thành Hưng là xã thuộc huyên Thạch Thành, cách thị trấn Kim Tân huyện Thạch Thành khoảng 1,5km, địa hình tương đối bằng phẳng, đồi núi ít, đất đai thổ nhưỡng xã Thành Hưng phù hợp với sản xuất nông nghiệp, hoa màu lương thực, phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Thuận lợi cho xã trong việc giao lưu kinh tế xã hội với các vùng miền trong huyện và trong tỉnh Thanh Hóa.

- Xã Thành Hưng có vị trí như sau:

+ Phía Bắc giáp  xã Thạch Định huyện Thạch Thành.

+ Phía Nam giáp xã Thành Tiến và xã Vĩnh Hưng

+ Phía Đông giáp thị trấn Kim Tân

+ Phía Tây giáp xã Thạch Long và xã Thạch Bình

- Diện tích đất xã Thành Hưng chạy dài theo hướng Đông - Tây nằm dọc quốc lộ 45, có điều kiện khai thác hiệu quả về tiềm năng đất đai, giao lưu hàng hoá với các xã, vùng lân cận và thích ứng với nền kinh tế thị trường, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của xã trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai được bền vững.

* Địa hình địa mạo:

Xã Thành Hưng có địa hình thoai thoải từ Bắc xuống Nam, là xã có đầu mối giao thông quan trọng cả đường thuỷ và đường bộ, đồng bào sinh sống chủ yếu là dân tộc Kinh, sống lâu đời tạo thành 6 thôn bao quanh đường quốc lộ 45 và dọc sông Bưởi.

Đường bộ có 3,5 km quốc lộ 45 chạy từ thị trấn Kin Tân qua xã Thành Hưng và đi thị trấn Vĩnh Lộc, thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ thương mại, góp phần đô thị hoá nông thôn.

* Điều kiện khí hậu - thuỷ văn:

a- Điều kiện khí hậu:

Thành Hưng nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng lớn của vùng núi cao, nền nhiệt độ cao với 2 mùa chính: Mùa hè khí hậu nóng đặc biệt là sự xuất hiện của gió Tây Nam vào đầu mùa hạ (cuối tháng 4, đến tháng 6 có tới 20-30 ngày gió Tây). Mùa Đông lạnh giá khô hanh. Xen kẽ giữa 2 mùa chính khí hậu chuyển tiếp từ hè sang đông là mùa thu ngắn thường có bão lụt, mưa tập trung và gây lũ cục bộ thiệt hại đến sản xuất và các công trình xây dựng cơ bản. Giữa đông sang hè là mùa xuân không rõ rệt khí hậu ẩm ướt có sương mù và mưa phùn.

- Nhiệt độ: 

Qua theo dõi nhiều năm của Trạm khí tượng, Đài khí tượng Thanh Hoá, cho thấy tổng nhiệt độ năm từ 8.1000C - 8.5000C.

Nhiệt độ không khí trung bình năm từ 23,0oC - 240C

Nhiệt độ cao nhất năm từ 37oC – 40oC (tháng 5,6,7,8)

 Nhiệt độ thấp nhất có năm từ 1oC – 3oC (tháng 1,2,3 và tháng 12).
               Độ ẩm không khí:
               - Độ ẩm thấp nhất xảy ra thường vào tháng 1 hoặc tháng 12 (khô hanh) và tháng 5 - 9 (gió Tây khô nóng).

- Độ ẩm trung bình năm 85% - 86%.

- Độ ẩm trung bình cao: 90% - 91%. 

              - Độ ẩm trung bình thấp 75% - 80%

* Độc bốc hơi:

- Lượng bốc hơi hàng năm trung bình 788mm

- Lượng bốc hơi trung bình cao 900mm

- Lượng bốc hơi trung bình thấp 600mm

Bốc hơi nhiều nhất vào tháng 5 đến tháng 8 (thời kỳ rất nóng)

Bốc hơi nhỏ nhất vào tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

* Gió bão: Có hai hướng gió chính

+ Gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 - 4, gió mùa Đông Nam từ tháng 4 đến tháng 9 xen kẽ có gió mùa Tây khô nóng (tháng 5 - 7).

+ Bão: Trong những tháng (tháng 8,9,10). Sau bão kèm theo mưa lớn hay có ngập úng, lũ lụt phá hỏng nhiều cơ sở vật chất, công trình, làm tổn hại nhiều đến sản xuất nói chung và sản xuất nông ngiệp nói riêng.

* Mưa: Tổng lượng mưa (1600 - 1900mm) phẩn bổ không đều thường tập trung 60-80% lượng mưa vào tháng 5 - 10.

- Mưa tiểu mãn vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Kỳ mưa lũ tiếp theo là tháng 7 - 10 gây ra lũ lụt kéo dài gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

- Các tháng ít mưa từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau dễ gây ra khô hạn.

* Nhận xét chung: Điều kiện khí hậu thời tiến thuận lợi cho việc phát triển, đa hạng hóa sản phẩm nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên vẫn bị ảnh hưởng gió Lào khô nóng, mưa tập trung gây ngập úng, lũ lụt gây tổn hại đến sản xuất và các công trình, miền núi cao hay có sương mù, sương muối. Để khai thác yếu tố có lợi, né tránh các yếu tó bất lợi cho sản xuất cần ứng dụng các công thức luân canh, tăng vụ, mở rộng phương thức nông - lâm kết hợp, để tạo môi trường bền vũng cho sản xuất.

Thuỷ văn và nước

Ngoài sông Bưởi, Thành Hưng có 3 trạm bơm Kim Hưng, Đồng Lũng, Đồng Ấp. Hệ thống mương tiêu có chiều dài 22km (trong đó có khoản 12 km kiên cố hoá), hệ thống đê dài 8 km chạy bao quanh xã, các kênh tưới nội đồng và hệ thống ao hồ làm nơi dự trữ nguồn nước mặt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Nguồn nước ngầm: Độ sâu mạch nước ngầm khoảng 4-5m khá phong phú, chủ yếu là phục vụ nước sinh hoạt trong nhân dân, ở độ sâu 40-80m nguồn nước ngầm bắt đầu cạn kiệt. Trong những năm tới, vấn đề đặt ra là phải sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước.

           b- Tài nguyên đất đai:
             Theo tài liệu FAO - UNESCO năm 2000 (UBND tỉnh Thanh Hóa), đất xã Thành Hưng có 4 nhóm và 17 loại đất:

- Nhóm 1: nhóm đất xám Acrisols (AC) có chiếm 89,84%, phần bổ trên núi cao dành cho sản xuất lâm nghiệp

- Nhóm 2: nhóm đất phù sa: Fluvisols (Fl) chiếm 2,05%, phân bố ven khe suối. Những nơi khá bằng phẳng độ dốc thấp dành cho sản xuất cây ngắn ngày (lúa, màu).

- Nhóm 3: nhóm đất đỏ Ferrlsols (FR) có chiếm 3,15%, phân bố các vùng đồi thấp, dành cho cây dài ngày, cây ăn quả, sản xuất nông lâm kết hợp xen cây ngắn ngày khác, xen kẽ hoa màu ngắn ngày.

- Nhóm 4: nhóm đất đỏ tầng mỏng - Leptosolls (LP) chiếm 4,96% phân bổ ở độ dốc không cao lắm, đã bị rửa xói mòn, cần phải có quy trình cải tạo.

Nhìn chung hầu hết diện tích đất đã được khai thác sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp và các mục đích khác. Tuy nhiên, việc sử dụng đất nông nghiệp còn nhiều mặt hạn chế, chưa thể hiện hết được đất nào cây đó từ đó dẫn tới hiệu quả kinh tế đất chưa cao. Thời gian tới cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với đầu tư chiều sâu để nâng cao hệ số sử dụng đất.

c- Tài nguyên nhân văn:

Thành Hưng là một xã có bề dày lịch sử, văn hoá, cách mạng. Thiên nhiên, lịch sử và con người Thành Hưng đã hoà quyện để tạo nên tính nhân văn sâu đậm.

Trong những năm qua đồng bào kinh, đồng bào mường sinh sống lâu đời bên nhau đã có nhiều con em được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước, là nơi sinh ra những con người sáng tạo trong cả chiến tranh lẫn thời bình. Đã tạo dựng lên một đội ngũ cán bộ có chuyên môn vững chắc.

Người dân nơi đây đã dày công vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, góp phần tạo dựng bản sắc văn hoá của một vùng quê nông nghiệp. Đó là sự cần cù chịu khó, tinh thần vươn lên trong lao động sản xuất, yêu quê hương, đất nước, dũng cảm trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược với tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Đó cũng thể hiện sức sống, sức sáng tạo của những giá trị văn hoá được bảo tồn qua nhiều thế hệ.

Với truyền thống đó, người dân xã Thành Hưng đang thừa kế và phát huy những thành quả đạt được, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn trên quê hương Thành Hưng.

 

 

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC